Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân.
Doanh nghiệp thủy sản được yêu cầu kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng theo quy định.
Tại cuộc họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn và có kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5-9 tỷ USD/năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14-16 tỷ USD. Ngành thủy sản đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan, góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản trái phép chậm nhất vào cuối năm nay. Ảnh: Báo Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Ban Chỉ đạo, các ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua cũng rất tích cực trong việc tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào năm 2017, 2019 và ghi nhận những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu, không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”. Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài- đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định trách nhiệm.
Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%). Vẫn còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm, có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…
Người đứng đầu Chính phủ cho biết những vấn đề nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt. Một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.
Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản. “28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ các địa phương, nhất là cấp cơ sở, phải làm tốt một số nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Theo đó, các địa phương phải tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu, người dân tin, người dân làm theo. Các địa phương cũng phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển hạ tầng, thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn còn được giao chủ trì việc triển khai đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân khi bão gió, thiên tai. Việc hạ tầng số được yêu cầu đầu tư để quản lý và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đề án phòng, chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản được yêu cầu vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng theo quy định. Doanh nghiệp thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.