Bức tranh kinh tế quý I/2023 của Việt Nam phản ánh rõ những khó khăn đang phải đối mặt, thông qua những con số “chạm đáy” như tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% - con số rất thấp trong giai đoạn hơn 10 năm qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn thành lập mới… Tuy vậy, nhiều dự báo cho thấy khả năng kinh tế sẽ hồi phục trở lại ở thời điểm quý II hoặc quý III.
Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp sụt giảm… được nhận định là những nguyên nhân tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm đã khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP rất thấp
Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Và nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Bức tranh phát triển kinh tế vẫn ảm đạm với nhiều "gam màu tối".
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu ước chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Khi cả xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều giảm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đó là lý do vì sao tăng trưởng GDP quý I/2023 ước chỉ đạt 3,32%.
Theo khảo sát, 38,5% doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022. Dự báo quý II/2023 khả quan hơn quý I/2023 khi chỉ còn 33,7% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Bên cạnh chế biến - chế tạo, một trong những ngành khó khăn cũng cần kể tới trong năm 2023 là xây dựng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, các DN xây dựng đang đối mặt với thách thức thực sự khó khăn trong năm 2023 và có thể sang cả năm 2024. Xây dựng và bất động sản gắn bó mật thiết với nhau nhưng từ giữa năm 2022, bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu...), các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng.
“Không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu kể cả những nhà thầu lớn. Không làm thì không có việc, nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo Chủ tịch VACC, các nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ mà đặc điểm xây dựng là phải vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước rồi mới được chủ đầu tư thanh toán sau, nên nếu chủ đầu tư chậm trả thì nhà thầu “chết” chắc! “Vừa không có tiền trả vật tư, nhân công, vừa phải lo lãi vay ngân hàng. Trong bối cảnh ấy, một số nhà thầu còn cố sống cố chết đấu thầu bằng mọi giá để cứu DN trước mắt nhưng như vậy càng làm càng lỗ, càng thấy gần hơn nguy cơ phá sản”, ông Hiệp cho hay.
Trong bối cảnh trên, ông Hiệp cho rằng các DN xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong năm 2023, xác định cụ thể định hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bất động sản, tín dụng như hiện nay. Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các DN xây dựng phải thực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cần gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%?
Dù trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng tại thời điểm tháng 3/2023, các tổ chức quốc tế vẫn đưa ra những dự báo về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Điển hình như trong báo cáo Điểm lại tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,3%. Tuy nhiên, WB cũng lo ngại việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực DN, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước, và do những cải cách chưa hoàn thiện.

Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ thấp hơn năm 2022.
Trong khi đó, dự báo của Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) cho thấy tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực ở mức vừa phải, chủ yếu phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và đầu tư tại các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam và Malaysia.
UNDESA dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt 6,3%, tuy nhiên triển vọng kinh tế trong ngắn hạn phải đối mặt với những rủi ro suy giảm đáng kể, bao gồm đại dịch kéo dài, nhu cầu bên ngoài suy yếu, căng thẳng tài chính gia tăng, lạm phát cao hơn và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.
Ngoài ra, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 6,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – bà Nguyễn Thị Hương, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là thách thức lớn. Do vậy, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
TS. Trần Thị Hồng Minh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho DN, song DN còn cần nhiều hơn thế. Quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với DN cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ông Thân Đức Việt
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10
DN nào cũng đều cần nguồn vốn hoạt động, Chính phủ đang có những giải pháp quyết liệt khi yêu cầu giảm lãi suất cho vay 0,5 -1%, đây là tín hiệu mừng, liều thuốc kịp thời cho DN, nhất là trong bối cảnh tìm kiếm đơn hàng khó khăn, gặp khó khăn về nguồn vốn, nguồn hàng, chăm lo cho người lao động. Chúng tôi kỳ vọng khó khăn này là khó khăn trong ngắn hạn, hy vọng đầu quý III đơn hàng xuất khẩu sẽ được phục. hồi.
TS. Vũ Tiến Lộc
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Số DN gia nhập thị trường đang “chạm đáy”, trong quý I/2023, cả nước có 57 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có tới 60,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số DN gia nhập thị trường thấp hơn số DN phá sản và giải thể nên hy vọng quý I/2023 là điểm đáy và tín hiệu của sự hồi phục sẽ sớm xuất hiện trong quý II/2023.
Nhật Linh